Sáng 25/9, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố Cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam. Cũng như báo cáo hồi tháng 4, cơ quan này cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững trước những bất ổn của môi trường bên ngoài, do đó giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm nay tại 6% và năm sau là 6,2%. Lạm phát cũng được kỳ vọng ổn định ở mức 4%.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư hôm 15/9 ước tính bão Yagi gây thiệt hại 40.000 tỷ đồng cho các địa phương miền Bắc, khiến GDP năm nay thấp hơn 0,15% so với kịch bản trước đó. Đề cập đến tác động của cơn bão này, ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia kinh tế trưởng của ADB - cho rằng các thống kê về thiệt hại hiện tại có thể chưa phải là con số cuối cùng.
Dù vậy, ADB vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng với Việt Nam. Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, lý giải con số này được họ đưa ra dựa trên kết quả nửa đầu năm cũng như các chính sách hiện tại và là số liệu "có thể đạt được". "Tôi cho rằng với các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng từ bão Yagi, đây sẽ là cơ hội để chính phủ đẩy mạnh tiêu dùng và đầu tư công. Tác động từ bão Yagi vì thế có thể sẽ không quá lớn như tưởng tượng", ông nói.
Ông Nguyễn Bá Hùng cho rằng "cơ chế phục hồi tốt nhất trong ngắn và trung hạn là thông qua bảo hiểm và ngân sách". Ví dụ, đưa đầu tư công vào phục hồi cơ sở hạ tầng sau thiên tai, hay hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.
Hôm 24/9, ngân hàng Singapore United Overseas Bank (UOB) hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay do bão Yagi, từ 6% xuống 5,9%. UOB dự kiến ảnh hưởng từ cơn bão này sẽ được cảm nhận rõ hơn vào cuối quý III và đầu quý IV ở phía Bắc, thể hiện qua việc sản lượng sụt giảm và các cơ sở sản xuất, nông nghiệp và các dịch vụ bị hư hỏng.
Xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Tân Vũ - Hải Phòng. Ảnh: Giang Huy
Giám đốc ADB Việt Nam nhận định kinh tế đã phục hồi mạnh trong nửa đầu năm 2024, với mức tăng 6,4% - gần gấp đôi năm trước. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ sản xuất công nghiệp và thương mại.
Theo số liệu của cơ quan thống kê, trong nửa đầu năm, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,5% - cao hơn nhiều so với mức 1,1% cùng kỳ năm trước. Sản xuất tăng 8,7% nhờ các lĩnh vực như cao su, thiết bị điện tử, máy tính.
Thương mại hỗ trợ lớn cho tăng trưởng, với xuất khẩu nửa đầu năm tăng 14,5% và nhập khẩu tăng 17% so với năm ngoái. Dịch vụ cũng khởi sắc do du lịch phục hồi.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh nửa đầu năm, với 15,2 tỷ USD vốn đăng ký. Giải ngân cũng lên 10,8 tỷ USD - cao hơn cùng kỳ năm ngoái và cũng là cao nhất 5 năm qua.
Dù vậy, ADB đánh giá nhu cầu trong nước còn yếu. 8 tháng đầu năm, doanh số bán lẻ chỉ tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức này thấp hơn so với 10,3% cùng kỳ năm 2023. Để tăng cầu nội địa, ADB khuyến nghị tăng kích thích tài khóa, như đầu tư công, trong bối cảnh vẫn phải duy trì lãi suất thấp.
Trong ngắn hạn, cơ quan này cho rằng kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều rủi ro, gồm vấn đề về cấu trúc kinh tế, căng thẳng địa chính trị, chủ nghĩa bảo hộ tăng và thiên tai. Những yếu tố này có khả năng tác động đến xuất khẩu, sản xuất và việc làm. Xuất khẩu nửa cuối năm vì thế được dự báo khó giữ được mức tăng trưởng cao.
Sau kết quả tăng trưởng kinh tế quý II và nửa đầu năm tốt, Chính phủ đã cập nhật kịch bản, phấn đấu GDP năm nay đạt 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao là 6-6,5%. Nhiều tổ chức tài chính quốc tế hiện dự báo tăng trưởng Việt Nam năm nay đạt 6%, gồm IMF, ADB, WB và Standard Chartered.
Hà Thu