Dầu thô Brent chiều nay tăng gần 1%, lên 78,3 USD một thùng. Dầu WTI cũng lên 74,4 USD. Giá tăng mạnh chủ yếu do xung đột tại Trung Đông leo thang. Iran đã phóng khoảng 200 tên lửa đạn đạo nhằm vào ba căn cứ quân sự Israel. Israel cũng thực hiện hàng loạt vụ không kích mới vào các vị trí của lực lượng Hezbollah tại Lebanon.
Một nguyên nhân khác là nhà đầu tư lạc quan rằng các nỗ lực kích thích kinh tế mới nhất của Trung Quốc sẽ kéo nhu cầu dầu lên cao. Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Tính chung 7 ngày, giá dầu Brent và WTI đắt thêm hơn 8% - mức cao nhất kể từ đầu 2023.
Giá dầu Brent tăng mạnh trong các phiên gần đây. Đồ thị: CNBC
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết nước này thảo luận việc có nên ủng hộ Israel tấn công các cơ sở dầu mỏ của Iran để trả đũa hay không. Phát biểu của ông Biden khiến giá dầu thô có thời điểm tăng tới 5%.
"Rủi ro nguồn cung đang quay lại khi căng thẳng Trung Đông tăng nhiệt. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tác động sẽ hạn chế", các nhà phân tích tại ngân hàng ANZ nhận định.
Dù khu vực này đóng góp một phần ba sản lượng dầu toàn cầu, Israel khó chọn phương án tấn công trực tiếp vào các cơ sở sản xuất dầu của Iran. "Động thái này khiến cộng đồng quốc tế không hài lòng, đồng thời đẩy Iran vào thế không còn gì để mất và trả đũa mạnh tay hơn", ANZ dự báo.
"Câu hỏi hiện tại là liệu nguồn cung dầu có bị gián đoạn hay không. Điều này khiến giá rơi vào trạng thái chờ đợi trong phiên cuối tuần", Yeap Jun Rong - chiến lược gia tại IG nhận định.
Tuy vậy, lo lắng về nguồn cung dịu bớt sau thông tin công suất dự phòng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) còn rất lớn. Ngoài ra, xung đột tại Trung Đông đã xảy ra từ lâu, nhưng vẫn chưa khiến nguồn cung toàn cầu bị gián đoạn.
Giới chức Libya - nước thành viên OPEC - cho biết họ mở cửa lại toàn bộ mỏ dầu và cảng xuất khẩu, sau khi giải quyết xong bất đồng về lãnh đạo tại Ngân hàng Trung ương. Ngân hàng Trung ương Libya - cơ sở duy nhất tại nước này được quốc tế công nhận là địa chỉ hợp pháp để nhận tiền bán dầu mỏ. Thời gian qua, cuộc khủng hoảng lãnh đạo tại cơ quan này khiến sản lượng dầu Libya giảm mạnh. Năm ngoái, Libya sản xuất 1,3 triệu thùng dầu một ngày. Số liệu này của Iran là 4 triệu thùng, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Hà Thu (theo Reuters)