Mê cung nguồn gốc máy nhắn tin phát nổ của Hezbollah

22/09/2024
|
0 lượt xem
Thế Giới Tư Liệu
Mê cung nguồn gốc máy nhắn tin phát nổ của Hezbollah

Nhóm vũ trang Hezbollah tuần này chứng kiến hai loạt vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm trên khắp Lebanon, khiến ít nhất 37 người chết và hàng nghìn người bị thương. Đây được xem là "đòn giáng đau" đối với nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn.

Hezbollah và Iran cáo buộc Israel đứng sau hai cuộc tấn công thiết bị liên lạc, song Tel Aviv không thừa nhận hay phủ nhận thông tin này. Bên cạnh những lo ngại về nguy cơ bùng phát xung đột toàn diện giữa Hezbollah với Israel, câu hỏi mà nhiều người quan tâm hiện tại là nguồn gốc của những thiết bị phát nổ.

Dấu vết còn lại từ vụ nổ cho thấy máy nhắn tin mà Hezbollah sử dụng là mẫu sản phẩm của Gold Apollo, công ty có trụ sở ở Đài Loan. Tuy nhiên, công ty này khẳng định họ không sản xuất những chiếc máy nhắn tin này. Gold Apollo cho biết họ cấp giấy phép sản xuất mẫu sản phẩm này cho công ty BAC Consulting KFT trụ sở ở Hungary.

Công tố viên Đài Loan ngày 18/9 bắt đầu điều tra để xác định liệu có mối liên hệ nào giữa Gold Apollo và loạt vụ nổ ở Lebanon hay không. Một ngày sau, các nhà điều tra an ninh triệu tập hai giám đốc điều hành của Gold Apollo và BAC Consulting KFT, công ty hoạt động tại Đài Loan dưới tên gọi Apollo Systems.

Văn phòng của cả hai công ty ở 4 địa điểm tại Đài Bắc đã bị khám xét cùng ngày. Gold Apollo phủ nhận mọi liên quan tới các cuộc tấn công.

"Không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy bất kỳ người Đài Loan liên quan tới loạt vụ nổ", văn phòng công tố ngày 20/9 thông báo.

Mẫu máy nhắn tin của Hezbollah bị phát nổ. Đồ họa: Guardian, Apollo

Apollo Systems đã thuê một không gian làm việc chung tại Đài Bắc từ tháng 4 với giá khoảng 90 USD mỗi tháng, theo Tập đoàn Quản lý Tài sản Đài Loan. Công ty đăng ký hoạt động ở đảo Đài Loan cùng tháng với các lĩnh vực gồm bán thiết bị viễn thông, tư vấn và dịch thuật.

Tại Hungary, BAC Consulting KFT đăng ký năm 2022 với hàng chục hoạt động kinh doanh từ bán thiết bị viễn thông tới sản xuất trò chơi máy tính. Đặt trụ sở tại khu dân cư yên tĩnh ở thủ đô Budapest, công ty báo cáo doanh số bán hàng năm ngoái vào khoảng 600.000 USD.

Cristiana Bársony-Arcidiacono, 49 tuổi, công dân quốc tịch kép Italy - Hungary, là đại diện duy nhất của công ty ở đây. Một tài khoản của Bársony-Arcidiacono trên LinkedIn mô tả bà là "chuyên gia đánh giá về ngân sách cho Ủy ban châu Âu". Tài khoản cũng nêu bà từng thực tập tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế năm 2008-2009. Bársony-Arcidiacono không trả lời yêu cầu bình luận.

Những người quen biết Bársony-Arcidiacono mô tả bà là người hành tung bí ẩn, thường xuất hiện một thời gian rồi rời đi. Một số người quen bà tại Budapest cho biết Bársony-Arcidiacono thích vẽ, thường xuyên du lịch và đã không xuất hiện kể từ đầu năm nay.

Đến giữa tuần này, trang web của công ty BAC Consulting KFT đã ngừng hoạt động.

Zoltán Kovács, phát ngôn viên chính phủ Hungary, cho biết BAC Consulting KFT chỉ là công ty trung gian giao dịch. Ông nói công ty không có cơ sở sản xuất nào ở Hungary và mẫu máy nhắn tin phát nổ tại Lebanon cũng chưa từng xuất hiện ở quốc gia Đông Âu này.

Mẹ của cô, Beatrix Barsony-Arcidiacono, nói rằng con gái bà đã nhận được những lời đe dọa và "đang ở một nơi an toàn, được bảo vệ bởi an ninh Hungary". "Giới chức đã khuyên con tôi không nên nói chuyện với truyền thông", bà cho biết. Các cơ quan an ninh quốc gia Hungary không bình luận về thông tin này.

Tờ giấy có đề tên công ty BAC Consulting KFT cùng các công ty khác tại một tòa nhà ở Budapest, Hungary ngày 18/9. Ảnh: AFP

Cuộc tìm kiếm người đứng sau sản xuất và phân phối máy nhắn tin đã dẫn tới công ty khác được thành lập vài năm gần đây. Truyền thông Hungary đưa ra tin rằng công ty Norta Global Ltd ở Bulgaria đã bán lô máy nhắn tin bị phát nổ cho Hezbollah.

Chính quyền Bulgaria đã lập tức điều tra về công ty do một công dân Na Uy đăng ký tại thủ đô Sofia hồi tháng 4/2022, một tháng trước khi BAC Consulting KFT đăng ký tại Hungary. Kể từ đó, Norta Global đã chuyển tổng cộng 1,6 triệu euro (khoảng 1,8 triệu USD) cho BAC Consulting KFT, theo những nguồn tin am hiểu cuộc điều tra của Bulgaria.

Cơ quan an ninh Bulgaria ngày 20/9 thông báo không có máy nhắn tin nào giống mẫu bị phát nổ được sản xuất, nhập khẩu hay xuất khẩu tại Bulgaria. Họ vẫn đang điều tra liệu công ty này có liên quan gì tới các vụ tấn công ở Lebanon.

Hoạt động của công ty được liệt kê theo hồ sơ đăng ký là "quản lý dự án công nghệ". Tuy nhiên, Norta Globa dường như rất ít hoạt động ở Bulgaria.

Cristiana Bársony-Arcidiacono (trái), đại diện BAC Consulting KFT, và Rinson Jose, người điều hành Norta Global. Ảnh: NP

Công ty không liệt kê bất kỳ nhân sự nào và được đăng ký cùng một địa chỉ ở Sofia với 200 công ty khác. Địa chỉ email của công ty là từ một nhà cung cấp email miễn phí ở Bulgaria. Số điện thoại đăng ký là số Na Uy và được kết nối trực tiếp tới hộp thư thoại.

Năm ngoái, công ty có doanh thu khoảng 750.000 USD từ các hoạt động tư vấn và không có lợi nhuận, theo dữ liệu đăng ký.

Trang web của công ty đã ngừng hoạt động từ ngày 19/9. Một bản lưu trữ trang web những ngày trước cho thấy họ quảng cáo dịch vụ của công ty gồm tư vấn, tích hợp công nghệ, tuyển dụng và cung cấp dịch vụ thuê ngoài.

"Bạn đang tìm một công ty nhanh chóng giúp bạn thành công hay tìm kiếm giải pháp công nghệ phù hợp? Không cần tìm ở đâu khác", nội dung quảng cáo trên trang web nêu.

Cơ quan an ninh Bulgaria cho biết công ty không có hoạt động tài chính vi phạm luật chống khủng bố và không có giao dịch kinh doanh với các cá nhân chịu lệnh trừng phạt.

Norta Global do công dân Na Uy Rinson Jose điều hành, theo hồ sơ công ty. Trên tài khoản LinkedIn cùng tên, Jose mô tả mình là doanh nhân tại công ty cung cấp dịch vụ tư vấn công nghệ NortaLink có trụ sở ở Oslo. Đường dẫn tới trang web của công ty này hiện không khả dụng.

Cảnh sát Oslo cho biết họ đã bắt đầu điều tra về công ty này. Cả Norta Global và Jose đều không trả lời yêu cầu bình luận.

Một chiếc máy nhắn tin bị phát nổ hôm 17/9. Ảnh: CNN

Lô máy nhắn tin và bộ đàm được Hezbollah nhập về cách đây 5 tháng, khi nhóm tìm kiếm những cách thức liên lạc an toàn hơn do lo ngại Israel đã xâm nhập vào hệ thống viễn thông ở Lebanon. Một giả thuyết cho rằng lô hàng đã bị chặn và cài thuốc nổ sau khi chúng rời khỏi nhà máy. Một giả thuyết khác nói Israel là bên dàn dựng toàn bộ chuỗi cung ứng thiết bị. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng xác thực cho những giả thuyết này.

Nhà phân tích chính trị và quân sự Elijah Magnier ở Brussels cho biết nguồn tin của ông ở Lebanon nói rằng các cuộc điều tra sơ bộ của Hezbollah chỉ ra trong các thiết bị chưa phát nổ có chứa 1-3 g PETN, loại chất nổ mạnh.

Ông thêm rằng cuộc điều tra cũng chỉ ra những viên bi kim loại đã được đặt xung quanh pin máy nhắn tin. Điều đó khiến khi phát nổ, các mảnh kim loại sẽ bị bắn ra ngoài, "làm tăng đáng kể mức độ sát thương".

Tuy nhiên, những thiết bị này đã được sản xuất ở đâu và khi nào vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.

"Trong thị trường toàn cầu hóa này, đôi khi thật khó để tìm ra chính xác nguồn gốc của một thứ gì đó", Daniel Castro, phó chủ tịch tổ chức Quỹ Sáng tạo và Công nghệ thông tin ở Mỹ, nói.

Thùy Lâm (Theo WSJ, TOI, Al Jazeera, WP)

Tin liên quan
Tin Nổi bật