Một mùa hè quá tải du lịch

21/09/2024
|
0 lượt xem
Du Lịch Tin Tức
Một mùa hè quá tải du lịch

Khách muốn gọi cửa nhà Pimentel phải kéo một sợi dây dài để rung chiếc chuông đặt trên mái nhà. Giống nhiều dân địa phương khác, Pimentel đã phải chịu đựng một mùa hè du lịch quá mức tại một trong những thành phố giàu nhất nước. Du khách yêu thích Sintra và đổ xô đến đây vì phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ.

Khi mở cửa sổ, Pimentel có thể ngửi thấy mùi khói xe, tiếng động cơ của những chiếc xe tay ga ngoại cỡ. Ông cũng cảm nhận được nỗi thất vọng của 5.000 du khách đến thành phố mỗi ngày. Những người này buộc phải xếp hàng trên con đường đi qua biệt thự của ông để ghé thăm cung điện Pena, nơi từng là chốn nghỉ dưỡng của Vua Ferdinand II. Pimentel nói hiện tại tự cô lập bản thân "hơn cả thời Covid-19". Ông không muốn ra ngoài vì luôn có quá nhiều du khách.

Xe tuktuk chở khách ở Sintra. Ảnh: AP

Lượng khách đi du lịch đang bùng nổ khắp thế giới, thay vì tăng trưởng ổn định. Một trong các nguyên nhân gây quá tải trong năm nay là xu hướng "du lịch trả thù" sau dịch vẫn còn, chính sách thị thực vàng của nhiều nước nhằm thu hút khách ghé thăm và các chiến dịch hút khách du mục kỹ thuật số.

Chủ đề được nói nhiều nhất trong mùa hè năm nay về du lịch quá mức là hậu quả mà chúng để lại khắp thế giới: ùn tắc giao thông, giá nhà và sinh hoạt phí tăng, ô nhiễm môi trường, các cuộc biểu tình phản đối khách. Các chuyên gia du lịch trên thế giới nhận định những cuộc biểu tình chính là tối hậu thư mà người dân địa phương đưa ra với chính quyền, buộc họ phải quản lý du lịch tốt hơn. Theo một phân tích năm 2023 trên Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tình trạng du lịch quá mức "có thể coi là một hiện tượng xã hội".

Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) hồi tháng 1 dự đoán du lịch thế giới năm nay sẽ vượt kỷ lục được thiết lập vào năm 2019 là 2%. Cuối tháng 3, WTTC báo cáo hơn 285 triệu lượt khách đã đi du lịch quốc tế trong quý I, tăng 20% so với cùng kỳ 2023. Châu Âu vẫn là điểm đến được ghé thăm nhiều nhất. Tháng 4, tổ chức này dự đoán 142 trong số 185 quốc gia mà họ phân tích sẽ lập kỷ lục về du lịch cũng như tạo ra 11,1 nghìn tỷ USD và 330 triệu việc làm trên thế giới. Cùng với gia tăng doanh thu là rắc rối. Tây Ban Nha đã trải qua mùa hè tồi tệ với các vấn đề liên quan giá nhà tăng, khách say xỉn, quậy phá. Các cuộc biểu tình đã nổ ra khắp nước từ đầu tháng 3.

Người dân Barcelona, Tây Ban Nha mặc áo có nội dung đuổi khách về nhà. Ảnh: AP

Nhật Bản cũng gặp tình trạng tương tự khi dự kiến lượng khách ghé thăm năm nay sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong lịch sử, dẫn đến nhiều động thái từ người dân và chính quyền nhằm hạn chế du lịch quá tải. Thị trấn Fujikawaguchiko đẹp như tranh vẽ và có một số vị trí ngắm núi Phú Sĩ đẹp nhất nước đã dựng rào chắn tầm nhìn của du khách hồi tháng 5. Hiện tại hàng rào đã được gỡ. Chính quyền nhiều nơi cũng giới hạn lượng khách leo núi Phú Sĩ. Các hành động trên phần nào cho thấy du lịch đại chúng đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân địa phương như thế nào.

UNESCO từng cảnh báo nguy cơ quá tải du lịch gây thiệt hại cho các khu bảo tồn thế giới. Danh sách "Các điểm đến không nên ghé thăm 2024" của Fodor kêu gọi khách cân nhắc khi định ghé một số điểm nóng du lịch như Hy Lạp, Ấn Độ, Thái Lan, California (Mỹ).

Những nơi chưa phải là điểm nóng cũng lên phương án "phòng" từ trước như công bố các chiến dịch "giảm du lịch". Amsterdam, Hà Lan, kêu gọi khách say xỉn và quậy phá nên tránh xa thành phố.

Tình trạng du lịch bùng nổ trên thế giới trong năm nay khiến một số chuyên gia cho rằng thuật ngữ "quá tải du lịch" đã lỗi thời. Michael O'Regan, giảng viên Đại học Glasgow Caledonian ở Scotland, cho rằng thuật ngữ trên không phản ánh được thực tế bất lực trong việc quản lý đám đông hiện nay.

"Du lịch đã quay trở lại nhanh hơn chúng tôi mong đợi", Micheal nói. Tuy nhiên, chuyên gia này khẳng định du lịch quá tải không phải vấn đề. Hiện tại, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang trong cuộc chiến giành khách du lịch. Vấn đề các quốc gia cần nghiên cứu chính là "làm gì nếu có quá nhiều khách".

Núi Phú Sĩ được một du khách chụp qua rào chắn ở Fujikawaguchiko. Ảnh: AP

Virpi Makela, chủ một nhà nghỉ ở Sintra, nói nhiều khách đã thất vọng gọi điện cho cô vì không thể tìm được cách đến nhận phòng do giao thông "vô tổ chức". Ngay cả khi họ đến được đầu đường nơi có nhà nghỉ, khách cũng không thể tiếp tục đi vì nơi này gắn biển báo "chỉ những loại xe được phép mới được vào".

Giống như các điểm đến khác, Sintra đang tìm cách hạn chế lượng khách du lịch. Mỗi năm, nơi này đón hơn ba triệu lượt khách. Nhưng năm nay, các di tích lịch sử bắt đầu bán ít vé hơn. Cung điện Pena cũng bán ít hơn một nửa số 12.000 vé từng bán trước đó mỗi ngày.

Các biện pháp trên vẫn bị người dân đánh giá "có nỗ lực nhưng chưa đáng kể". Người dân địa phương đã yêu cầu chính quyền "đặt người dân lên trước" và lắng nghe nguyện vọng của họ nhiều hơn. Người dân Sintra cũng muốn biết kế hoạch của chính quyền về quản lý khách.

"Chúng tôi không phản đối du khách, chỉ phản đối sự hỗn loạn mà chính quyền không thể giải quyết" - thông điệp người dân Sintra muốn gửi đến toàn thế giới.

Anh Minh (Theo AP)

Tin liên quan
Tin Nổi bật