Hơn một năm qua, nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán duy nhất tháng 1 họ mua vào. Quy mô bán ròng từ đầu năm đến nay đạt hơn 66.000 tỷ đồng, tương ứng khoảng 2,6 tỷ USD.
Tại cuộc gặp nhà đầu tư chiều 8/10, bà Nguyễn Hoài Thu - Tổng giám đốc khối Đầu tư chứng khoán của VinaCapital - lý giải xu hướng dòng tiền trên do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất cao suốt thời gian dài. Điều này khiến khối ngoại chuộng việc rút vốn từ thị trường cận biên, tức không chỉ ở Việt Nam, về gửi tiết kiệm tại Mỹ để hưởng lãi suất cao, với rủi ro gần như bằng không.
Ngoài ra, nguyên nhân còn do xu hướng thịnh hành gần đây của các cổ phiếu công nghệ trong mắt các nhà đầu tư, mà nhóm này niêm yết dày đặc ở Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc... trong khi Việt Nam hầu như chỉ có một đại diện lớn là FPT.
Tuy nhiên, đà bán ròng đã giảm dần. Số liệu do VinaCapital tổng hợp cho thấy, trong tháng 9, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 100 triệu USD, giảm tháng thứ ba liên tiếp và bằng khoảng 17% so với mức đỉnh hồi tháng 6.
"Chúng tôi cho rằng nhà đầu tư nước ngoài có thể trở lại thị trường Việt Nam để đón đầu làn sóng tăng giá mới", bà Hoài Thu dự đoán.
Bà Nguyễn Hoài Thu - Tổng giám đốc khối Đầu tư chứng khoán của VinaCapital - trình bày trong buổi họp mặt nhà đầu tư ngày 8/10. Ảnh: Hà Nguyễn
Xu hướng mua trở lại của khối ngoại là lực đỡ cho thị trường trong giai đoạn giằng co gần vùng kháng cự 1.300 điểm và hấp thụ một phần áp lực bán của nhà đầu tư tổ chức. Tháng 9, nhà đầu tư trong nước bán ròng 3.200 tỷ đồng sau khi mua kỷ lục 7.200 tỷ trong tháng trước đó. Riêng nhóm tự doanh bán hơn 950 tỷ đồng.
Câu hỏi đặt ra là động lực nào giúp chứng khoán tăng trưởng trong thời gian tới? Theo VinaCapital, các chu kỳ phục hồi trước đây của thị trường gần như đều gắn liền với các yếu tố căn bản. Theo đó, đơn vị này cho rằng có 5 động lực hỗ trợ cho VN-Index cuối năm nay và 2025.
Thứ nhất, GDP được dự đoán vẫn tăng trưởng cao. 9 tháng đầu năm, kinh tế tăng 6,82% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng của 2020- 2021, thời điểm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và năm 2023. Bà Hoài Thu nói mức độ ảnh hưởng của bão Yagi tới các địa phương có thể phải chờ tới quý cuối năm mới phản ánh hết vào chỉ số tăng trưởng.
Tuy nhiên, VinaCapital vẫn dự đoán GDP tăng 6,5% năm nay, nhờ động lực chính từ phục hồi sản xuất. Năm sau, tốc độ trên giữ nguyên với trợ lực từ đầu tư công.
Thứ hai, môi trường lãi suất thuận lợi. Fed giảm lãi giúp VND cải thiện. Điều này cũng hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước giữ chính sách tiền tệ nới lỏng và còn dư địa điều chỉnh thêm nếu cần thiết. Đây là điều kiện tốt cho đầu tư bất động sản và chứng khoán.
Thứ ba, lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi mạnh. Năm nay, VinaCapital dự báo lãi của các doanh nghiệp niêm yết tăng 18,3%. Sang năm sau, tốc độ trên cải thiện lên 23,2% và lợi nhuận doanh nghiệp tăng ở tất cả ngành nghề, chứ không tập trung vào một số nhóm riêng lẻ như năm nay. Đơn vị này đánh giá con số trên vượt trội so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines.
Thứ tư, định giá thị trường vẫn giữ mức hấp dẫn. Chỉ số P/E (giá thị trường trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu) cho năm sau được dự báo khoảng 10,1 lần. Tương tự, chỉ số P/B (giá thị trường trên giá trị sổ sách) cũng có thể giữ quanh 1,6 lần. Cả hai mức trên đều thấp hơn nhiều so với trung bình 10 năm qua và hấp dẫn hơn các nước Indonesia, Malaysia, Phillipines, Thái Lan.
Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi vào năm 2025. Thị trường chứng khoán đang được hai tổ chức MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm 3 - thị trường cận biên. Trong đó, FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng lên nhóm 2 - thị trường mới nổi.
Vì thế, động lực để nhà đầu tư ngoại trở lại thị trường là khả năng được tổ chức FTSE nâng hạng chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi. Trước mắt, Ủy ban Chứng khoán sẽ gỡ nút thắt bỏ yêu cầu ký quỹ 100% giao dịch cho nhà đầu tư ngoại từ tháng 11. Nếu thuận lợi, FTSE có thể công bố Việt Nam được nâng hạng từ tháng 9/2025. Điều này giúp thu hút 16 quỹ đầu tư với tổng tài sản 90 tỷ USD đang theo dõi các thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, chuyên gia VinaCapital cho rằng chứng khoán vẫn tiềm ẩn một số rủi ro. Trước hết tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại và Trung Quốc đẩy mạnh giao thương hàng hóa quốc tế ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, rủi ro về căng thẳng địa chính trị cũng có tác động nhất định.
Trong nước, tiêu dùng vẫn chưa phục hồi như kỳ vọng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ và tiêu dùng tăng 8,8% trong 9 tháng, thấp hơn 1,3% so với cùng kỳ. Bất động sản vẫn có khả năng chậm khôi phục.
Chuyên gia từ VinaCapital còn lo ngại về kịch bản lạm phát cao hơn có thể tác động đến chính sách tiền tệ dù xác suất xảy ra thấp. Bên cạnh đó, nếu FTSE trì hoãn công bố nâng hạng, nhà đầu tư chứng khoán sẽ dễ mang tâm lý thất vọng.
Tất Đạt